Tên thật là Nguyễn Đăng Tùng , sinh 1/ 2/1986 tại làng quê nghèo thôn Thành Công - Xã Quảng Thành - Quảng Xương Thanh Hóa trước đây. Và nay là Phố Thành Công - Phường Quảng Thành - TP. Thanh Hóa. Chàng trai Nguyễn Đăng Tùng quá thấm nhuần được nỗi vất vả cực nhọc của cha mẹ, người lao động chân lấm tay bùn chỉ biết trông chờ vào những vụ lúa, vụ đông. Thủa ấu thơ cũng như bao cậu bé con nhà nghèo khác, cậu cũng lam lũ lao động cùng bố mẹ khi còn rất nhỏ. Mới học lớp 4 là cậu đã biết đi câu lươn, móc cua bán để dồn lấy tiền mua sách vở, mua quần áo đi học, tự phục vụ bản thân.
Nhà nghèo đôi lúc cơm không đủ mà ăn. Cuộc sống vất vả như thế cứ cuốn đi và bám lấy cậu đằng đẳng suốt mấy năm trời, nhưng có lẽ, do cậu còn nhỏ chưa ý thức nhiều về cuộc sống, cậu cứ nghĩ đó là số phận và cha mẹ sinh mình ra trong hoàn cảnh như thế thì cuộc sống mình cứ thế vậy thui. Trong suốt 4 năm cấp 2, tuy cậu là con nhà nghèo nhưng cậu lại rất thích đi học, và cậu học cũng rất giỏi, được nhiều thầy cô yêu mến, liên tiếp đạt danh hiệu học sinh tiên tiến cấp trường, và có lần cậu còn được cử đi thi học sinh giỏi thành phố. Giấy khen của cậu được treo khắp nhà. Nó như niềm tự hào và là tài sản vô giá của cậu.
Vất vả là vậy, nhưng chính niềm yêu thích học hành và cậu học cũng khá nên cậu lại càng thích được đi học, ban đầu chỉ là thỏa mãn lòng ham học và đến trường của cậu. Nhưng bước ngoặt và ngã rẽ cuộc đời chút nữa đã đánh mất đi niềm vui, niềm hy vọng của cậu. Sau khi học xong cấp 2, phải thi lên cấp 3. Còn nhớ Thanh Hóa ngày đó chỉ có 3 trường cấp 3 nổi tiếng mà cô cậu học sinh nào cũng muốn vào, đó là trường chuyên Lam Sơn, trường Đào Duy Từ và trường Hàm Rồng. Đó là những trường công lập có chất lượng đào tạo rất tốt, và học phí cũng thấp hơn các trường khác. Gia đình nào mà có con thi đậu và 1 trong 3 trường đó thì đó là niềm tự hào của cả gia đình và trường lớp cấp 2.
Thật may mắn, lòng yêu thích đến trường và ham học hành đã giúp cậu thi đậu vào trường cấp 3 Hàm Rồng với số điểm khá cao. Niềm vui còn đó của cậu bé nghèo năm ấy, nhưng nổi buồn lại hiện dửng dưng ngay trước mắt cậu. Giờ đi học cấp 3 lấy đâu ra tiền nộp học phí đây chứ không nói là các loại tiền phụ phí khác, lấy đâu xe mà đi học đây khi nhà cách trường 10 cây số. Đến tuổi này thì cậu đã nhận thức thấy được những khó khăn đang nằm ngay trước mắt mình. Bởi cậu sợ. Sợ cái cảm giác đi học mỗi khi đến ngày nộp học phí cô giáo nhắc mà không có tiền nộp, sợ cái cảm giác lớn rùi đi học mà không có quần áo để thay mỗi khi trời mưa ướt, lại phải mang vào bếp củi hơ cho nó khô, mà cái mùi quần áo phải hơ qua bếp củi, bếp rơm thì thật là ...
Nhà nghèo hoàn cảnh là vậy, trong lúc đó cả 2 anh em đều đi học, bố cậu thì là bộ đội về quê lấy mẹ cậu là vợ 2 nhưng mất giấy tờ nên cũng không có chính sách gì, mẹ lại sức khỏe yếu. Cha già mẹ yếu, 2 anh em đi học, tuổi đời còn nhỏ , vậy là cái nghèo, cái thiếu cứ lẽo đẽo theo cậu mãi không hề buông tha. Giữa cái làng quê nghèo nàn, kinh tế chưa mở cửa, cũng chỉ biết câu lươn hái rau, bắt cá lấy tiền sinh hoạt. Và cứ như thế cậu sống trong sự thiếu thốn triền miên.
Thấy cậu cũng ham học, bố cậu quyết định xin cho cậu vào trường Trung cấp Thủy Sản gần nhà hình thức đào tạo thuộc loại 2 năm 3 lớp. Nhằm phần nào đáp ứng được lòng ham học của cậu và cũng rút ngắn thời gian học, mà còn kiếm thêm được cái nghề trong tay. Mong rằng nhanh đi làm sẽ giúp đỡ được cho bố mẹ và em. Về phần cậu thì cứ được đi học là vui lắm rùi. Cậu mừng rỡ cầm quyết định và chuẩn bị cho vào lớp bổ túc 2 năm 3 lớp. Chứ cũng chẳng có cơ hội theo học trường Hàm Rồng mà cậu thi đậu. Mọi chuyện tưởng chừng như đã được an bài. Rồi bỗng một hôm cận kề ngày nộp hồ sơ cấp 3 Hàm Rồng. Có lẽ do quá nhiều lý do tác động bên ngoài của mọi người. Bố cậu đã bảo cậu cho cậu học trường cấp 3 Hàm Rồng, trường mà cậu thi đậu. Niềm vui như vỡ òa với cậu bé nghèo ham học, cậu vui lắm, thích lắm, vinh dự lắm. Cậu tung tăng đi học cùng các bạn.
Tuy vậy vất vả cũng không hề buông tha cậu trong suốt 3 năm học cấp 3. Quyết định cho cậu đi học cũng chỉ là một quyết định liều và không có cơ sở về kinh tế. Khi cậu đi học vẫn thường xuyên không có tiền nộp học phí và đều phải nhờ bạn bè quyên góp ủng hộ nộp cho cậu. Và đồng nghĩa với việc cậu cũng chẳng bao giờ có 1 tiết học thêm nào cũng bạn bè trang lứa vì không có tiền. Và cũng chẳng bao giờ có khái niệm được ăn sáng để đi học như bạn bè. Quần áo thì cũng chỉ có 1 bộ. Đến nỗi có thời điểm nhà trường có quyết định tất cả học sinh phải có dép quai hậu để đến trường thì cậu cũng chẳng có tiền mà mua. Cậu cứ phải trốn lui trốn lủi để lén vào lớp. Và cậu nhìn bạn bè ước ao khao khát.
Một chiếc xe đạp xích hộp cũ của một người thương cậu cho cậu khi cậu được đi học và lòng ham học cứ thế theo cậu trong suốt 3 năm cấp 3 dài đằng đẳng. Thiếu thốn, đói kém đến nỗi nhiều lần đi học về, cậu đói, đói lắm, cậu cố tình đi về muộn hơn một chút để ngó qua các gầm bàn các lớp xem có bạn nào ăn sáng không hết để lại gầm bàn hay không. Nếu thấy cậu sẽ thật vui và chạy vội vào lấy và ăn ngon lành như một bữa tiệc.
--> CÒN TIẾP PHẦN 2