Phương pháp "GIẢM ĐAU TRONG ĐẺ " tại BV phụ sản Thanh Hóa

Phương pháp "GIẢM ĐAU TRONG ĐẺ " tại BV phụ sản Thanh Hóa

Không gì có thể so được với cơn đau đẻ, đó cũng là điều khiến các mẹ sắp sinh hoảng loạn trước giờ “vượt cạn”. Ngày nay phương pháp “đẻ không đau” đã khá phổ biến để giúp các mẹ vượt qua nỗi sợ đau trong quá trình chuyển dạ, sinh con và giữ tinh thần minh

BẠN CÓ BIẾT HIỆN NAY TẠI BỆNH VIỆN PHỤ SẢN THANH HÓA ĐÃ CÓ PHƯƠNG PHÁP “GIẢM ĐAU TRONG ĐẺ ” CHƯA?
 
Giam-dau-trong-de-thanh-hoa
 
Không gì có thể so được với cơn đau đẻ, đó cũng là điều khiến các mẹ sắp sinh hoảng loạn trước giờ “vượt cạn”. Ngày nay phương pháp “đẻ không đau” đã khá phổ biến để giúp các mẹ vượt qua nỗi sợ đau trong quá trình chuyển dạ, sinh con và giữ tinh thần minh mẫn thoải mái khi đón con yêu chào đời.
Chìa khoá của phương pháp “sinh không đau” này chính là thủ thuật gây tê ngoài màng cứng (ưu việt hơn thủ thuật gây tê tuỷ sống do đã hạn chế được tác dụng hạ huyết áp của sản phụ cũng như gây mê trong sinh mổ). Gây tê ngoài màng cứng được áp dụng cho cả sinh thường và sinh mổ, thủ thuật này còn giúp cả bác sĩ và sản phụ chủ động hơn trong việc lựa chọn cách sinh phù hợp và tốt nhất. Nhờ có thủ thuật này, nhiều bà mẹ đã có thể có được trải nghiệm sinh con tuyệt vời và hạnh phúc hơn bao giờ hết.
GÂY TÊ NGOÀI MÀNG CỨNG LÀ GÌ?
- Gây tê ngoài màng cứng là một kỹ thuật gây tê vùng thường được sử dụng trong quá trình chuyển dạ.
- Gây tê ngoài màng cứng được tiến hành khi cơn co tử cung trở nên mạnh hơn và mẹ không có những bất thường trong kết quả xét nghiệm máu cũng như sức khỏe tốt để cuộc chuyển dạ diễn ra trong điều kiện lý tưởng nhất có thể.
- Sau khi sử dụng thuốc tê và một số thuốc khác, mẹ sẽ mất cảm giác đau từ bụng đến hai chân nhưng vẫn tỉnh hoàn toàn và có thể cử động hai chân bình thường. Vì vậy, mẹ vẫn nhận biết được khi có cơn co tử cung và đặc biệt là mẹ vẫn rặn đẻ được bình thường.
- Bác sỹ gây mê hồi sức giảm đau sẽ là người thực hiện thủ thuật giảm đau ngoài màng cứng cho mẹ trong trường hợp mẹ sinh bé đường tự nhiên hoặc mổ đẻ.
GÂY TÊ NGOÀI MÀNG CỨNG CÓ LÀM HẾT ĐAU HOÀN TOÀN?
- Mẹ sẽ có cảm giác “tức tức” vùng bụng dưới khi có cơn co tử cung hoặc khi Bác sỹ thăm khám và đó không phải là cảm giác đau.
- Mẹ sẽ có cảm giác nặng hoặc nhẹ bẫng hai chân.
- Mẹ sẽ không còn cảm giác muốn tiểu tiện vì vậy nữ hộ sinh sẽ đặt ống thông nhỏ (Sonde) để nước tiểu chảy ra ngoài và rút sonde ngay khi hết nước tiểu.
GÂY TÊ NGOÀI MÀNG CỨNG CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN EM BÉ KHÔNG?
Các nghiên cứu từ lâu đã chứng minh gây tê ngoài màng cứng là phương pháp an toàn cho mẹ và bé. Tuy nhiên, vai trò của bác sỹ gây mê hồi sức giảm đau ở đây là rất quan trọng và đòi hỏi bác sỹ phải có kinh nghiệm trong thực hiện thủ thuật này.
AI CÓ THỂ ÁP DỤNG GÂY TÊ NGOÀI MÀNG CỨNG?
Không phải tất cả phụ nữ đều phù hợp với phương pháp giảm đau này. Bạn không thể áp dụng gây tê ngoài màng cứng nếu có huyếp áp thấp hơn bình thường (do nguy cơ xuất huyết và các vấn đề khác), rối loạn chảy máu, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng da ở vùng lưng sẽ tiến hành chọc kim, hoặc nếu bạn vốn có cơ địa dị ứng với thuốc gây tê. Phụ nữ sử dụng thuốc làm loãng máu cũng không thể dùng biện pháp giảm đau này.
MẸ CÓ THỂ RẶN ĐẺ HIỆU QUẢ KHÔNG?
- Khi cổ tử cung mở hết và đầu em bé đã “lọt”, nữ hộ sinh hoặc bác sỹ sản khoa sẽ yêu cầu mẹ rặn thật mạnh khi có cơn co tử cung. Thông thường với gây tê ngoài màng cứng các mẹ vẫn cảm giác được lực “thúc” ở phía dưới và rặn hiệu quả. Nếu mẹ không có cảm giác muốn rặn khi có cơn co tử cung mẹ nên đề nghị nữ hộ sinh hướng dẫn cách rặn.
GÂY TÊ NGOÀI MÀNG CỨNG ĐƯỢC TIẾN HÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- Khi bác sỹ gây mê hồi sức giảm đau tiến hành gây tê ngoài màng cứng mẹ có thể nằm hoặc ngồi nhưng lưng phải uốn cong như lưng tôm để mở rộng khe giữa 2 đốt sống. Bác sỹ sẽ sát trùng vùng thắt lưng của mẹ rồi gây tê tại chỗ dưới da và khe giữa 2 đốt sống sau đó dùng kim chuyên dụng chọc vào khe đốt sống để tìm khoang ngoài màng cứng. Một ống nhựa rất nhỏ (Cathéter) sẽ được luồn qua kim đó vào khoang ngoài màng cứng để thông qua đó thuốc gây tê, giảm đau được bơm vào khoang ngoài màng cứng.
- Trong khi luồn Cathéter, có thể đầu Cathéter sẽ chạm vào dây thần kinh nào đó làm mẹ có cảm giác như “điện giật” lan xuống chân và hơi đau rồi hết ngay lúc đó, mẹ phải cố gắng ngồi yên không cử động và tất cả những động tác trên chỉ được tiến hành khi mẹ không có cơn co tử cung.
- Kim chuyên dụng sẽ được rút ra sau khi Cathéter được luồn vào khoang ngoài màng cứng và Cathéter được cố định bằng cách dán vào lưng của mẹ lúc đó mẹ có thể nằm xuống. Thuốc gây tê, giảm đau được bơm vào khoang ngoài màng cứng của mẹ và sau 10-15 phút, người mẹ sẽ không còn cảm giác đau. Huyết áp của mẹ và nhịp tim của bé sẽ được theo dõi chặt chẽ.
- Có thể duy trì gây tê ngoài màng cứng bao lâu tùy thích bằng cách truyền liên tục thuốc gây tê giảm đau qua Cathéter ngoài màng cứng. Thông thường sau khi bé ra đời sẽ không cần gây tê ngoài màng cứng để giảm đau nữa.
- Sau khi sinh em bé, Cathéter được rút ra và kết thúc quá trình gây tê ngoài màng cứng. Người mẹ sẽ dần dần có cảm giác ở chân và bụng, mẹ phải hết sức cẩn thận khi muốn ngồi dậy lúc đó vì có thể choáng do mất máu trong lúc sinh, tụt huyết áp… Người mẹ sẽ cần giúp đỡ nếu muốn ngồi dậy.
NGUY CƠ CỦA GÂY TÊ NGOÀI MÀNG CỨNG LÀ GÌ?
Những nguy cơ của gây tê ngoài màng cứng đối với mẹ và bé là rất ít:
- Thuốc gây tê làm giãn mạch máu nên có thể gây giảm huyết áp của người mẹ. Vì vậy, mẹ sẽ được truyền dịch để giữ cho huyết áp ổn định đồng thời huyết áp của mẹ sẽ được theo dõi chặt chẽ.
- Khó thở: Hiếm gặp và mẹ sẽ được thở oxy đồng thời bão hòa oxy trong máu của mẹ sẽ được theo dõi liên tục bằng máy theo dõi chuyên dụng.
- Thuốc gây tê ngấm vào mạch máu có thể tạo ra cảm giác khó chịu, vì vậy, bác sỹ gây mê hồi sức giảm đau luôn luôn bơm từng lượng thuốc nhỏ một và hỏi mẹ có cảm giác khó chịu hay cảm giác lạ gì không.
- Một số rất ít bà mẹ thấy đau ở lưng, chỗ chọc gây tê ngoài màng cứng.
- Trong một số trường hợp cá biệt, mẹ thấy đau đầu sau khi sinh em bé, trong trường hợp đó, mẹ nên cho nữ hộ sinh biết để thông báo cho bác sỹ gây mê hồi sức giảm đau có biện pháp điều trị hiệu quả cho mẹ.
Bác sỹ gây mê hồi sức giảm đau sẽ hướng dẫn các bà mẹ tất cả những biện pháp cần thiết để phòng chống những nguy cơ có thể xảy ra, vì vậy, đừng ngần ngại trao đổi với bác sỹ cảm giác và những băn khoăn của mình.
TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO THÌ KHÔNG CẦN LÀM GÂY TÊ NGOÀI MÀNG CỨNG?
Khi cổ tử cung đã mở được 7-8cm, bác sỹ sẽ không làm gây tê ngoài màng cứng cho mẹ vì cuộc chuyển dạ của mẹ sẽ diễn ra rất nhanh và không kịp thời gian để gây tê ngoài màng cứng nữa.
TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO THÌ KHÔNG NÊN LÀM GÂY TÊ NGOÀI MÀNG CỨNG?
- Có bất thường về đông máu: Mẹ sẽ được xét nghiệm đông máu trong tháng cuối của quá trình mang thai. Đông máu của mẹ có thể bị ảnh hưởng bởi một số thuốc như: Asperine, Sintrom...
- Có thể có một số cản trở khác như:
» Tổn thương nghiêm trọng vùng cột sống, mẹ đã phải phẫu thuật cột sống...
» Bệnh lý nặng của hệ thống thần kinh trung ương, nhiễm trùng vùng lưng, thắt lưng.
TRƯỜNG HỢP ĐẺ THƯỜNG MÀ PHẢI CHUYỂN MỔ ĐẺ CẤP CỨU THÌ SAO?
Trong trường hợp đó, bác sỹ gây mê hồi sức sẽ bơm thêm thuốc gây tê, giảm đau qua Cathéter ngoài màng cứng để đảm bảo mẹ không bị đau chút nào khi mổ đẻ.
THỦ THUẬT NÀY CÓ LÀM TĂNG NGUY CƠ PHẢI SINH MỔ KHÔNG?
Các nghiên cứu đã cho thấy gây tê ngoài màng cứng không làm tăng nguy cơ phải sinh mổ. Chúng tôi hy vọng những thông tin trên đã phần nào giúp các mẹ yên tâm hơn khi lựa chọn dịch vụ Đẻ không đau. Nếu bố mẹ có bất cứ băn khoăn lo lắng nào thì chúng tôi, những bác sỹ gây mê hồi sức giảm đau, bác sỹ sản khoa, nữ hộ sinh... luôn sẵn sàng lắng nghe bạn.
 
Phòng khám 108 Trường Thi

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline
  • 0912.996.892
  • 097.11.22.586
  • 0912.089.586
  • 097.11.22.586
Quảng cáo online ở Thanh Hóa
Website rao vặt Thanh Hóa
Công ty truyền thông online ở Thanh Hóa