Đang xuất hiện giả thuyết chiếc máy bay bị chuyển hướng và khống chế để được dùng cho “mục đích khác sau này”
Các nhân viên điều tra Mỹ nghi ngờ chiếc máy bay chở theo 239 người mất tích của hãng hàng không Malaysia (MAS) đã ở trên không trung thêm khoảng 4 giờ kể từ thời điểm vị trí cuối cùng của nó được xác nhận
Những câu hỏi mới
Lần cuối cùng tín hiệu máy bay xuất hiện trên màn hình radar là trước 1 giờ 30 phút ngày 8-3 (giờ địa phương), gần 1 giờ sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur - Malaysia.
Theo báo Mỹ The Wall Street Journal (WSJ) ngày 13-3, căn cứ theo tốc độ bay của Boeing 777 thì chiếc MH370 có thể bay thêm được hơn 4.000 km từ nơi mất tín hiệu, tức là đủ sức bay đến Ấn Độ Dương, khu vực giáp với Pakistan hoặc Mông Cổ, thậm chí là biển Ả Rập.
Hành trình bí ẩn của chuyến bay MH370 Ảnh: DAILYMAIL
Các quan chức an ninh và nhà điều tra hàng không Mỹ tin rằng máy bay đã bay tổng cộng 5 giờ, dựa trên dữ liệu được tải tự động về mặt đất từ các động cơ của máy bay theo chương trình bảo dưỡng và giám sát định kỳ.
Được cung cấp bởi nhà sản xuất Rolls-Royce PLC, hệ thống giám sát lắp đặt trên động cơ máy bay sẽ định kỳ tự động gửi dữ liệu về tình trạng và hoạt động của động cơ cũng như độ cao và tốc độ của máy bay. Theo thỏa thuận bảo trì, MAS truyền dữ liệu về động cơ máy bay đến hãng Rolls-Royce sau mỗi 30 phút để phân tích xem có thay đổi khác thường giữa các chuyến bay hay không.
Theo WSJ, các quan chức chống khủng bố của Mỹ đang xem xét khả năng phi công hoặc một ai đó trên máy bay đã chuyển hướng nó đến một địa điểm chưa xác định sau khi cố tình tắt thiết bị phát đáp để tránh bị radar phát hiện.
Nếu quả thật kịch bản này xảy ra thì câu hỏi là máy bay đã đi đâu và tại sao nó lại bay trong tình trạng như thế trong thời gian dài. Một giả thuyết đang được quan tâm là chiếc máy bay đã bị khống chế để dùng cho “mục đích khác sau này”. Dù vậy, giới chức Mỹ thừa nhận không chắc chắn máy bay có gặp nạn hay không.
Không từ bỏ nỗ lực tìm kiếm
Đài Tiếng nói nước Nga hôm 12-3 dẫn lời Giáo sư Vladimir Kolotov của Trường Đại học Tổng hợp Saint-Peterburg (Nga) cho rằng máy bay mất tích có thể bị sử dụng cho một cuộc khủng bố lớn.
Ông nhận định: “Có thông tin máy bay đã đổi hướng và hạ độ cao trước khi biến mất. Nó có thể hạ cánh xuống bất kỳ đường cao tốc nào, chất thêm thứ gì đó phục vụ cho một cuộc khủng bố, tương tự vụ 11-9-2001. Rừng rậm Đông Nam Á đủ chỗ để cất giấu máy bay”. Trước đó, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cũng tuyên bố không loại trừ khả năng một vụ khủng bố.
Trong lúc này, chiến dịch tìm kiếm máy bay vẫn chưa mang lại kết quả. Nhà chức trách Malaysia hôm 13-3 cho biết không phát hiện được gì tại địa điểm mà vệ tinh Trung Quốc phát hiện 3 “vật thể trôi nổi khả nghi”. Dù vậy, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định sẽ tìm kiếm đến cùng.
Báo Telegraph (Anh) dẫn lời ông David Gleave, cựu điều tra viên tai nạn máy bay người Anh và hiện là chuyên gia hàng không tại Trường ĐH Loughborough, nhận định nỗ lực tìm kiếm gặp khó khăn vì các nước trong khu vực không sẵn lòng chia sẻ thông tin về hoạt động của hệ thống radar quân sự.
Theo ông, hệ thống radar hải quân và radar quân sự đặt trên đất liền của các nước nằm gần địa điểm máy bay mất tích nhiều khả năng đã lần ra dấu vết song tiết lộ nó cũng tức là công khai năng lực quân sự - một vấn đề nhạy cảm trong một khu vực đang có căng thẳng về chính trị.
Trong cuộc họp báo chiều 13-3, quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein khẳng định thông tin chiếc máy bay MH370 tiếp tục bay khoảng 4 giờ sau khi mất tín hiệu là không chính xác. “Lần cuối cùng Rolls-Royce nhận dữ liệu từ máy bay là 1 giờ 7 phút, khi đó mọi chuyện đều bình thường” - ông Hishammuddin nhấn mạnh.
Ông Hussein cho hay những hình ảnh vệ tinh của Trung Quốc bị công bố do sai sót và nước này đang cho điều tra. Ngoài ra, ông bác bỏ việc cảnh sát Malaysia khám nhà phi công và các cơ phó chuyến bay.